Tuyển sinh 2022 – Ngành Bệnh học Thủy sản

0
1231

Mã ngành: 7620302
Chỉ tiêu tuyển sinh: 50
Loại hình đào tạo: Chính quy, tập trung
Thời gian đào tạo: 4,5 năm
Website: ts.huaf.edu.vn

Facebook: www.facebook.com/bomonbenhthuysan Hotline: 0987.558.787

I. NĂNG LỰC VÀ NHU CẦU ĐÀO TẠO CỦA BỘ MÔN BỆNH THỦY SẢN

Ngành Bệnh học thuỷ  sản  là một ngành đào tạo của khoa Thủy Sản, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, năm 2022 đánh dấu mốc lịch sử tròn 17 năm hình thành và phát triển của ngành. Với đội ngũ cán bộ cơ hữu giảng dạy gồm 02 Phó Giáo Sư, 04 Tiến sĩ, 05 Thạc sĩ. Hệ thống phòng thí nghiệm bệnh thủy sản với những trang thiết bị hiện đại, hệ thống giảng đường được trang bị máy chiếu, mạng lưới liên kết nhiều công ty thủy sản trong và ngoài nước…Bộ môn Bệnh thủy sản đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo kỹ sư bệnh học thủy sản trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0.

Phương châm đào tạo của Bộ môn là cung cấp cho thị trường lao động những kỹ sư ngành bệnh học thủy sản chuẩn về kiến thức, vững về kỹ năng và siêng năng về thái độ.

Về quy mô đào tạo: trung bình mỗi khóa học, nhà trường sẽ đào tạo ra trường 50 kỹ sư; năm 2022 tiếp tục tuyển sinh 25 chỉ tiêu thông qua hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc Gia và 25 chỉ tiêu xét tuyển học bạ dựa trên kết quả học tập năm lớp 11 và học kỳ 1 của năm lớp 12 với 3 tổ hợp xét tuyển chủ đạo gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); B00 (Toán, Sinh, Hóa); D08 (Toán, Sinh, Anh). Với thí sinh dự tuyển bằng học bạ có thể sử dụng thêm tổ hợp D04 (Toán, Sinh, Giáo dục công dân) và thí sinh xét tuyển qua điểm thi THPT quốc gia sử dụng thêm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) để dự tuyển.

II. NHU CẦU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VỀ NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH BỆNH HỌC THỦY SẢN

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,89 tỷ USD, với tổng sản lượng ước tính 4,75 triệu tấn – ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên cũng trong năm 2021, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có hơn 5.600ha nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh và dự báo năm 2022 cũng như các năm tiếp theo sẽ còn diễn biến phức tạp khi người nuôi vẫn đang phải chịu những tác động nhiều mặt từ đại dịch Covid19.

Trước những thách thức lớn về tình hình ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hiện nay, dự báo trong những năm tới nghề nuôi trồng thủy sản sẽ rất cần nguồn lao động có chuyên môn về bệnh động vật thủy sản; các hộ nuôi, trang trại, tập đoàn nuôi trồng thủy sản cần thiết phải tuyển dụng các kỹ sư ngành bệnh học thủy sản để giải quyết những khó khăn này. Đây cũng chính là thời cơ tốt để các bạn trẻ suy ngẫm, lựa chọn ngành bệnh học thủy sản làm hành trang vào đời cho mình.

III. BẠN SẼ HỌC NHỮNG GÌ KHI LỰA CHỌN XÉT TUYỂN NGÀNH BỆNH HỌC THỦY SẢN

Ngày 11/8/2020 Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã ký Quyết định 693 ban hành chuẩn đầu ra của ngành bệnh học thủy sản (các bạn thí sinh có thể xem chi tiết tại liên kết này: https://huaf.edu.vn/wp-content/uploads/2021/01/26-CDR-2020-Benh-hoc-thuy-san.pdf).

Theo đó, các bạn sinh viên sẽ theo học trong 4,5 năm, tích lũy đủ 157 tín chỉ các bạn sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và bước vào đời với tư cách là một kỹ sư ngành bệnh học thủy sản.

Trong quãng thời gian này, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức về sinh lý, sinh hóa, sinh thái động vật thủy sản trong quá trình sản xuất giống và nuôi; quản lý sức khỏe động vật thủy sản; xây dựng và thực hiện các quy trình chẩn đoán, phòng trị bệnh ở động vật thủy sản; bạn sẽ được trang bị những kỹ năng về kỹ thuật chẩn đoán bệnh, phòng và trị những bệnh thường gặp trên động vật thủy sản cũng như triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh cho các hộ nuôi, trang trại, tập đoàn nuôi trồng thủy sản; Ngoài ra, các kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thiết lập mục tiêu cuộc đời, kỹ năng thuyết trình…cũng sẽ được bộ môn giảng dạy.

IV. CÓ NÊN PHÍ HOÀI 4,5 NĂM TUỔI THANH XUÂN CHO GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC?

Các bạn thí sinh 2k4 thế hệ gen Z thân mến! Trước thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển của công nghệ số hiện nay, rất nhiều bạn trẻ sẽ không khỏi thắc mắc liệu Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công? xin thưa các bạn Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp THPT, thậm chí đang học THCS cũng đã có thể tạo ra việc làm cho bản thân, tạo ra thu nhập như việc kinh doanh, làm thêm, đặc biệt là xu hướng trở thành các tiktoker đang là trào lưu trong giới trẻ hiện nay, nếu có thể tạo ra được một trang tiktok đủ tầm ảnh hưởng tới xã hội, bạn có thể thu nhập hàng chục triệu đồng chỉ trong một tháng…TUY VẬY, có phải bạn trẻ nào cũng làm được điều đó? Thường những bạn có năng khiếu bẩm sinh, có ngoại hình trời phú, có tài năng thiên bẩm…những bạn ấy thường dễ thành công ngay khi còn trẻ; nếu bạn không may mắn không có được những điều đó, bạn vội vàng bước vào đời với hành trang tuổi 18, bạn sẽ làm gì để tạo ra thu nhập? Bạn sẽ làm gì để trở thành người có ích cho xã hội? Xin đừng vội vàng! Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ dòng chữ ghi trên lớp học hồi tiểu học, rồi cấp 2, cấp 3 của các bạn “Học, học nữa, học mãi – V.I.Lenin”, chúng ta cần học cả đời các bạn ạ!

Sự vội vàng vào đời khi hành trang chưa vững thường khiến bạn vấp ngã hơn là thành công, bởi vậy Đại học không phải con đường duy nhất nhưng lại là một trong những con đường tốt nhất để giúp bạn trưởng thành. 4,5 năm thanh xuân làm sinh viên sẽ giúp bạn trưởng thành hơn về nhân sinh quan và thế giới quan, giúp bạn có được một vốn kiến thức đủ để làm được một cái nghề, giúp bạn tôi luyện bản thân trong một môi trường giáo dục lành mạnh, tránh xa được những cám dỗ của cuộc sống để rồi khi tích đủ về lượng, tự nhiên bạn sẽ chuyển đổi được về chất và trở thành những con người có ích cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội.

V. CẦM BẰNG TỐT NGHIỆP NGÀNH BỆNH HỌC THỦY SẢN TƯƠNG LAI SẼ VỀ ĐÂU?

Xã hội loài người có rất nhiều ngành nghề để lao động và làm việc, bệnh học thủy sản là một trong những chuyên ngành của khối ngành khoa học kỹ thuật. Có tấm bằng tốt nghiệp, bạn sẽ được xã hội thừa nhận là một kỹ sư – người thầy về kỹ thuật, bạn sẽ có một cái nghề trong tay đó là nghề quản lý sức khỏe động vật thủy sản, chẩn đoán và phòng trị các loại bệnh trên động vật thủy sản; Nghề này hiện nay trong các doanh nghiệp, tập đoàn nuôi trồng thủy sản chưa có nhiều lao động trong khi đang rất cần cho hoạt động của các công ty nuôi trồng thủy sản;

Tổng kết sau nhiều năm đào tạo cho thấy đa số các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành bệnh học thủy sản đều xin việc vào các công ty, tập đoàn nuôi trồng thủy sản (80-90%), đảm nhiệm các vị trí như cán bộ phụ trách kỹ thuật, nhân viên phòng thí nghiệm, phòng vi sinh, nhân viên thị trường… với mức lương khởi điểm hiện nay từ 10-15 triệu/tháng; số ít còn lại thường tự khởi nghiệp thông qua kinh doanh thuốc thú y thủy sản, một số bạn xin việc vào các cơ quan nhà nước như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp, Chi cục thú y, Viện nghiên cứu và các Trường Cao đẳng, Đại học có liên quan tới thủy sản…ở các xã, huyện, tỉnh và thành phố;

Những công ty tuyển dụng kỹ sư bệnh học thủy sản hàng năm có thể kể đến như: Công ty Cổ phần CP Việt Nam, Tập đoàn BIM Group, Tập đoàn Minh Phú, Công ty Unipresident – UP, công ty Thăng Long…bạn có thể tự tìm hiểu về những thương hiệu này thông qua mạng internet.

Chúng tôi có thể khẳng định rằng, nhu cầu của thị trường lao động về kỹ sư ngành bệnh học thủy sản hiện nay và sắp tới là rất nhiều, cơ hội việc làm là không thiếu khi bạn lựa chọn ngành học này. Chúng tôi cũng cam kết sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên trong suốt 4,5 năm học tập tại trường để cùng các bạn hướng tới một tương lai tươi sáng!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here